Bối cảnh Dụ ngôn Người Samari nhân lành

"Người Sa-ma-ri nhân lành",
tranh Pelegrín Clavé y Roqué (1838)

Điều quan trọng cần lưu ý ở đây là người dân xứ Sa-ma-ri vào thời ấy bị đố kỵ và khinh miệt như là dân bội giáo trong mắt của người Do Thái, là những người đang quây quần lắng nghe Chúa Giê-xu kể câu chuyện này. Như thế, qua dụ ngôn, Chúa Giê-xu chọn cho mình chủ đề chống phân biệt chủng tộc và đề cao tinh thần hoà hợp giữa các dân tộc. Lúc ấy, cộng đồng người Sa-ma-ri đang bị thu hẹp dần đến mức gần như tuyệt chủng, dẫn đến hệ quả ngày càng ít người gặp gỡ hay tiếp xúc với người Samaria, hoặc ngay cả nghe nói về họ. Hầu như không còn ai lưu ý đến sự tồn tại của họ.

Suốt trong những ngày sống trên đất, Chúa Giê-xu luôn bị những thầy thông giáo và người Pharisee theo đuổi để cáo buộc ngài là gần gũi với những kẻ thâu thuế và phường tội lỗi, "Các người Pharisee và các thầy thông giáo phàn nàn với môn đồ Ngài rằng: Sao các ông lại ăn uống với phường thu thuế và bọn người tội lỗi?".[2] Do đó, trong dụ ngôn này, Chúa Giê-xu khẳng định những lý lẽ khiến ngài hành động như thế, như được thuật lại trong Phúc âm Lu-ca, "Chúa Giê-xu đáp: Không phải người khỏe mạnh cần thầy thuốc, song là người đau ốm. Ta không đến để gọi người công chính, song gọi kẻ có tội ăn năn".[3]

Người bị kẻ cướp trấn lột trong dụ ngôn là hình ảnh của những người đau ốm, thương tật trong tâm linh. Những người đầu tiên gặp kẻ khốn khổ đang nằm bên đường là thầy tư tế và người Lê-vi - những người có nhiệm vụ chăm sóc và giúp đỡ người khác - lại là những kẻ vội vàng tránh đi: một nghịch lý diễn ra trong dụ ngôn này, những người được xã hội xem là đạo cao đức trọng lại là những kẻ vô trách nhiệm, trong khi một kẻ bị xã hội khinh miệt, là người chịu đưa lưng gánh vác. Có lẽ thầy tư tế tự biện minh rằng nếu cứu giúp người mắc nạn thì buộc phải chạm tay vào thân thể một kẻ bội giáo, như thế, theo cách luận giải luật pháp của họ, sẽ trở nên bất khiết và phải thực hiện nghi lễ thanh tẩy theo đòi hỏi của lề luật Moses. Thầy tư tế thà bỏ đi để giữ mình tinh sạch theo quy định dành cho giới tư tế hơn là cứu một mạng người. Người Lê-vi (chức sắc phụng sự trong đền thờ) cũng hành động tương tự. Một thách thức ẩn giấu trong dụ ngôn này, nếu lời biện minh là đúng: Chúng ta chỉ nên thể hiện lòng nhân ái khi thuận tiện, hay cần phải đi ra để tích cực giúp đỡ người khác?" Gia-cơ 4: 17 bình luận: "Cho nên, kẻ biết làm điều lành mà chẳng làm, thì phạm tội."